Bảo đảm an ninh, an toàn tại các bãi tắm
Sau khi các hoạt động du lịch được khôi phục, lượng người dân và du khách đổ về các bãi biển ở Đà Nẵng vui chơi, tắm biển tăng cao. Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đang triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm an toàn cho người dân, du khách. cũng như khuyến cáo những vấn đề cần lưu ý tại các bãi biển.
Theo ghi nhận của chúng tôi, kể từ khi du lịch thành phố mở cửa trở lại, các khu vực bãi tắm: Hòa Hải, Mỹ An, T20 (quận Ngũ Hành Sơn), Mỹ Khê, Phước Mỹ, Mân Thái (quận Sơn Trà), Thanh Bình, Thuận Phước (quận Hải Châu), Thanh Khê, Hòa Minh, Xuân Thiều (quận Liên Chiểu)… đón rất nhiều người dân địa phương và du khách trong, ngoài nước đến dạo chơi, tắm biển.
Có mặt tại Đà Nẵng vào những ngày đầu tháng 4 này, chị Lê Thị Minh An (trú quận Hà Đông, Hà Nội) bày tỏ: “Từ sau Tết đến tôi có mấy đợt đi công tác các tỉnh miền Trung với công ty để phát triển thị trường. Tôi thấy biển ở Đà Nẵng rất đẹp và sạch sẽ nên trong những ngày lưu trú tại đây, không hôm nào tôi thường ra biển để dạo chơi. Một số người trong đoàn công tác còn tranh thủ tắm biển buổi sáng và buổi chiều. Điều tôi cảm thấy yên tâm là mỗi khi xuống tắm biển đều luôn có lực lượng cứu hộ quan sát, nhắc nhở chúng tôi lưu ý về sức khỏe, không được bơi xa để phòng tránh đuối nước”.
Để phòng ngừa các rủi ro cho người dân, du khách trong quá trình tắm biển, Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng (gọi tắt là ban quản lý) đã triển khai giăng phao tại các khu vực tắm an toàn; lắp đặt các bảng cảnh báo khu vực nguy hiểm có dòng chảy xa bờ, các khu vực không có lực lượng cứu hộ trực; tuyên truyền trên hệ thống loa ven biển, website, fanpage của ban quản lý về thời gian trực cứu hộ, nội quy bãi biển…
Hằng ngày, Ban quản lý đã tăng ca trực cứu hộ đến 21 giờ 30 hằng đêm để tuần tra tại một số khu vực bãi tắm trọng điểm tại tuyến Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp – Trường Sa, nhắc nhở người dân và du khách tắm biển vào ban đêm.
Anh Trần Sẽ, thành viên Đội cứu hộ số 11 (khu vực công viên Biển Đông) cho hay, trong quá trình làm việc, mỗi nhân viên cứu hộ đều được trang bị phao cứu sinh, cờ đỏ, còi báo hiệu… Ngoài ra, trên bờ luôn có mô-tô nước để thực hiện cứu hộ nhanh nhất khi có sự cố xảy ra.
Còn theo ông Nguyễn Quốc Vinh, Đội trưởng đội cứu hộ các bãi biển du lịch Đà Nẵng (thuộc Ban quản lý), toàn đội có khoảng 100 nhân viên cứu hộ được chia thành 19 tổ, làm nhiệm vụ cứu hộ dọc 2 tuyến biển Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp – Hoàng Sa và Nguyễn Tất Thành. Lực lượng trong đội được phân công túc trực theo ca, bắt đầu từ 4 giờ 30 sáng đến 19 giờ hằng ngày. Ngoài ra, các lực lượng còn phối hợp, tăng cường tuần tra đêm đến 21 giờ 30 tại các khu vực trọng điểm từ bãi tắm Sao Biển đến khu vực bãi tắm Mân Thái; bố trí lực lượng tăng ca làm việc và trực 100% quân số toàn đội; tiến hành lắp đặt biển báo cấm tắm đối với khu vực nước sâu nguy hiểm, thường xuyên xuất hiện dòng nước nghịch và khu vực không có đội ngũ cứu hộ giám sát; đồng thời tiến hành thả phao giới hạn an toàn, tuyên truyền trên hệ thống loa phóng thanh về thời gian quy định tắm biển.
“Chúng tôi luôn quán triệt các thành viên của đội cứu hộ tập trung quan sát, không chủ quan lơ là khi thực hiện nhiệm vụ. Đầu tháng 3 vừa qua, Đội đã kiểm tra nghiệp vụ cứu hộ, tiếp tục bồi dưỡng, huấn luyện và nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho tất cả đội viên cứu hộ”, ông Nguyễn Quốc Vinh nói.
Qua tìm hiểu thực tế, mặc dù đa số người dân và du khách đều nhận thấy tầm quan trọng của việc đảm bảo đảm an toàn khi tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí tại bãi biển, tuy nhiên vẫn còn một số bộ phận người dân và du khách không tuân thủ, bất chấp các cảnh báo và sự hướng dẫn của nhân viên cứu hộ như vào những ngày biển động vẫn tắm biển hoặc tắm ngoài khu vực giăng phao an toàn.
Ông Trần Đại Nghĩa, Phó Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng thông tin thêm, đối với công tác quản lý, đơn vị đã ban hành Nội quy quản lý các bãi biển trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và quy định về các hoạt động kinh doanh dịch vụ tại bãi biển để nâng cao chất lượng dịch vụ và bảo đảm văn minh du lịch biển. Đối với hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước, hiện nay một số loại hình mới chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể, ban quản lý đã tham mưu Sở Du lịch trình UBND thành phố phương án thí điểm hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước. Theo đó, đưa vào quản lý các hoạt động thể thao giải trí mạo hiểm có động cơ và loại hình không động cơ (như ván chèo đứng (SUP), ván lướt), quy định vùng hoạt động, loại hình, thông tin, công tác bảo đảm cứu hộ, cứu nạn…
Mùa cao điểm du lịch sắp tới, để tạo hình ảnh điểm đến an toàn, sạch đẹp, ban quản lý đã tăng cường lực lượng giám sát, phối hợp kêu gọi các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đoàn thể ra quân dọn vệ sinh, làm đẹp bãi biển; qua đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua các kênh truyền thông, hệ thống loa phát thanh ven biển để mọi người cùng hiểu rõ các quy định. Ban quản lý cũng có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư dự án ven biển phối hợp trong công tác cứu hộ, bảo đảm trật tự, an toàn cho du khách tại các khu vực trước dự án….
Theo Báo Đà Nẵng