Giới thiệu về Voọc Chà vá chân nâu trên bán đảo Sơn Trà

27/07/2021
Tin tức

Không chỉ là “lá phổi xanh” điều tiết khí hậu, là bức bình phong chặn gió bão cho Đà Nẵng, là địa chỉ du lịch sinh thái lý tưởng của Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà còn được nhiều người biết đến là “Vương quốc” của một loài linh trưởng vô cùng quý hiếm, không chỉ của Việt Nam mà còn là của thế giới đó là Voọc chà vá chân nâu. Với đặc trưng 5 màu, Voọc chà vá chân nâu (hay còn gọi là Chà vá chân đỏ hoặc Voọc ngũ sắc) được tổ chức bảo vệ động vật hoang dã quốc tế tôn vinh là “nữ hoàng” của các loài linh trưởng cư trú trong rừng sâu bởi vẻ đẹp khác thường của nó. Loài này thuộc mức nguy cấp trong sách đỏ Việt Nam và tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới xếp vào danh sách các loài động vật cần được bảo vệ vô điều kiện.

Bán đảo Sơn Trà là nơi tập trung số lượng cá thể Voọc chà vá chân nâu lớn nhất trên thế giới với hơn 300 cá thể. Chúng sống thành đàn từ 4 đến 15 con, một đàn thường có một con đực trưởng thành làm đầu đàn, các con cái và con đực khác đều biết vị trí của mình trong đàn và con đực thường có vị trí cao hơn con cái. Cả con đực và con cái cuối cùng rồi sẽ rời khỏi đàn nơi chúng được sinh ra.Cá thể đực trưởng thành có kích thước lớn hơn nhiều so với cá thể cái trưởng thành. Chiều dài từ mông đến đỉnh đầu của 1 con đực trưởng thành khoảng 55-63 cm, trung bình là 59.6 cm, con cái trưởng thành là 50-57 cm. Chiều dài đuôi của chúng xấp xỉ bằng chiều dài thân và đuôi con cái cũng ngắn hơn đuôi con đực. Về cân nặng, con đực trưởng thành cân nặng dao động từ 5.8 – 11 kg, trong khi đó con cái chỉ cân nặng khoảng 6.4 – 8 kg. Các số liệu về chiều dài, cân nặng đều được đo trên các cá thể trong điều kiện nuôi nhốt tại trung tâm cứu hộ linh trưởng.

Về màu sắc cả hai con đực và cái trưởng thành đều có màu sắc giống nhau. Voọc chà vá chân nâu thường được mệnh danh là Nữ Hoàng Linh Trưởng với bộ lông nhiều màu sắc sặc sỡ gồm Vàng, Nâu hoặc nâu đỏ, Cam, Xám, và đen, và trắng. Đỉnh đầu gần trán có vạt lông màu đen, từ vai đến hai cánh tay, bàn tay, bàn chân màu đen, mặt có màu vàng sáng và ngực và hai bên bẹn có viền màu cam, còn lại toàn thân và cánh tay có màu xám, riêng hai cẳng chân có màu nâu đỏ. Đặc biệt, ở phía mông có mảng trắng hình tam giác kéo dài đến mút đuôi. Giữa con đực và con cái có thể phân biệt dựa vào túm lông trắng kéo dài ra ở hai góc nhọn của tam giác ở con đực trưởng thành, con cái thì không có hai túm lông dài này. Trên khuôn mặt của con trưởng thành cái và đực đều có bộ râu trắng dài quanh mặt.

Về tập tính giao phối và sinh sản: trước khi giao phối, cả con đực và con cái đều ra dấu hiệu bằng cách giơ cằm ra, lông mày nhếch cao và đầu cúi xuống. Con cái sẽ di chuyển trước, cắm mặt xuống cành cây, mắt nhìn vào con đực đã chọn. Con đực sẽ quay lại nhìn thẳng và có thể quay đi tìm nơi mà nó cho là phù hợp để giao phối.Giai đoạn giao phối diễn ra từ tháng 8 đến tháng 12. Giai đoạn mang thai kéo dài trong khoảng từ 165 đến 190 ngày, con cái sẽ sinh một con non vừa đúng trước mùa quả chín.

Vooc chà vá chân nâu chủ yếu sinh sống và kiếm ăn trên cây, khoảng 6 giờ sáng, chúng thức dậy và đi ăn, thức ăn của chúng chủ yếu là quả sung, lá đa cùng nhiều loại lá cây khác tại bán đảo Sơn Trà, loài này có tập quán ăn rất sang, chỉ ăn thức ăn tinh trên cây mà không ăn dưới đất, ăn một nửa bỏ một nửa mỗi mùa lại chọn một thức ăn thích hợp. Khoảng 11 giờ chúng ngủ, đến 3 giờ chiều, trời mát chúng đi ăn lại. Một cá thể Voọc trưởng thành ăn trung bình 1.79kg lá cây mỗi ngày.

Về tình trạng bảo tồn linh trưởng của Việt Nam thì IUCN sẽ đưa loài Chà vá chân nâu lên mức Cực kỳ nguy cấp vì những lo ngại về các mối đe dọa ngày càng lớn đối với sự tồn tại của loài này ngoài tự nhiên bởi sự suy giảm về diện tích vùng sống và nạn săn bắt, buôn bán bất hợp pháp.

Nguồn tham khảo: Green Việt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *