THÍ ĐIỂM CẤP THẺ RA VÀO TẠI BÁN ĐẢO SƠN TRÀ BẮT ĐẦU TỪ NGÀY 15/11/2019

16/11/2019
Ban quản lý

Bắt đầu từ ngày 15/11/2019, Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng sẽ thực hiện Kế hoạch triển khai thí điểm công tác quản lý, bảo đảm an toàn cho du khách khi dã ngoại, tham quan tại bán đảo Sơn Trà.

1. Thời gian thực hiện : Trong thời gian 03 tháng, kể từ ngày 15/11/2019 đến ngày 15/02/2020.

2. Các tuyến điểm được phép tham quan tại bán đảo Sơn Trà

– Từ nút giao đường Hoàng Sa (gần ngã ba Bãi Bắc đi Intercontinental Danang Sun Peninsula) đi đến điểm tham quan Cây Đa di sản;

– Tuyến từ đường Yết Kiêu đi Đỉnh Bàn Cờ – Bãi Bắc;

– Tuyến từ đường Yết Kiêu đi Suối Ôm.

– Đối với các tuyến đường còn lại, các tuyến nhánh giao với các tuyến đường nêu trên:Do hiện trạng hạ tầng không đảm bảo an toàn giao thông nên không cho phép các phương tiện di chuyển trên các tuyến đường này (trừ phương tiện phục vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ rừng…). Hạt kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn chủ trì cùng các đơn vị quân đội có trụ sở làm việc trên bán đảo Sơn Trà thực hiện việc lắp đặt bảng cấm và rào chắn tại các lối vào khu vực không cho phép dã ngoại, tham quan.

3. Đối tượng quản lý và hình thức kiểm soát:

a) Đối tượng quản lý:

– Người dân và du khách dã ngoại, tham quan tại bán đảo Sơn Trà (sau đây gọi chung là khách du lịch).

– Các hộ dân có hoạt động sản xuất trồng rừng nằm trong khu vực sau gác chắn, các nhiếp ảnh gia…

– Người nghiên cứu dài ngày trong rừng đặc dụng (gồm sinh viên thực tập, nghiên cứu sinh, người thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học…).

– Cán bộ, nhân viên các đơn vị có trụ sở làm việc tại bán đảo Sơn Trà hoặc có nhiệm vụ thực thi tại bán đảo Sơn Trà.

b) Hình thức kiểm soát:

Phát thẻ qua trạm gác, cụ thể như sau:

Thẻ màu vàng: dành cho các hộ dân có hoạt động sản xuất trồng rừng nằm trong khu vực sau gác chắn (chỉ cấp thẻ cho những người thực tế có hoạt động lâm nghiệp);  nhiếp ảnh gia, sinh viên thực tập, nghiên cứu sinh, người thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học… dài ngày được Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn duyệt danh sách và gửi Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng thực hiện cấp thẻ.

Thẻ màu xanh (thẻ khách): dành cho khách du lịch, các cán bộ, nhân viên đến liên hệ làm việc hoặc có nhiệm vụ thực thi tại bán đảo Sơn Trà có thời gian trong ngày (khách sử dụng và gửi trả lại cho nhân viên kiểm soát trong ngày). Đơn vị cấp thẻ: Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng.

– Các lực lượng quân đội, công an, kiểm lâm, Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng có nhiệm vụ trên bán đảo Sơn Trà được qua các trạm gác mà không cần sử dụng thẻ, chỉ cần xuất trình giấy tờ công vụ.

4. Quy định đối với các phương tiện, hình thức kiểm soát và lắp đặt trạm gác

a) Đối với nút giao đường Hoàng Sa (gần ngã ba Bãi Bắc đi Intercontinental Danang Sun Peninsula) đi điểm tham quan Cây Đa di sản

– Cho phép các phương tiện di chuyển trừ xe gắn máy sử dụng hộp số tự động (sau đây gọi là xe tay ga) và ô tô trên 24 chỗ ngồi.

– Bố trí 01 trạm gác (di dời trạm gác hiện có tại Bãi Đa về vị trí bãi xe phục vụ APEC đối diện với cổng khu du lịch Intercontinental Danang Sun Peninsula) để kiểm soát người (kiểm soát số lượng phương tiện, người vào – ra, cấp thẻ và ghi nhật ký…), hướng dẫn phương tiện trên các tuyến nhánh nêu trên (Trạm gác số 1).

b) Đối với tuyến từ đường Yết Kiêu đi Đỉnh Bàn Cờ – Bãi Bắc

– Đối với đoạn từ Trạm phát sóng Đài Phát thanh – Truyền hình Đà Nẵng đến Đỉnh Bàn Cờ: Cho phép tất cả các phương tiện giao thông trên tuyến đường (trừ xe tay ga và ô tô trên 24 chỗ ngồi).

– Đối với đoạn đường nối tiếp theo từ Đỉnh Bàn Cờ đi Bãi Bắc: Chỉ cho phép phương tiện di chuyển 01 chiều theo hướng từ Đỉnh Bàn Cờ đi Bãi Bắc do khu vực này hiện trạng hạ tầng không đảm bảo tổ chức giao thông 02 chiều.

– Bố trí 01 trạm gác (di dời trạm gác hiện có tại ngã ba đường nhánh lên cách Trạm phát sóng Đài Phát thanh – Truyền hình Đà Nẵng 400m về hướng Nhà Vọng Cảnh) để kiểm soát người (kiểm soát số lượng phương tiện, người vào – ra, cấp thẻ và ghi nhật ký…) và phương tiện trên tuyến đường nêu trên (Trạm gác số 2).

c) Đối với tuyến từ đường Yết Kiêu đi Suối Ôm

– Cho phép các phương tiện di chuyển (trừ xe tay ga và ô tô trên 24 chỗ ngồi) tham gia giao thông từ nút giao đường Yết Kiêu đi Suối Ôm và ngược lại.

– Bố trí 01 trạm gác để kiểm soát người (kiểm soát số lượng phương tiện, người vào – ra, cấp thẻ và ghi nhật ký…) và phương tiện trên tuyến đường nêu trên, kết hợp với trạm gác quân sự hiện trạng của Sư đoàn 375 (C4) (Trạm gác số 3).

5. Thời gian tổ chức tham quan, du lịch

Từ 07h30 19h00 hàng ngày: khách du lịch được phép dã ngoại, tham quan trên 03 tuyến tại bán đảo Sơn Trà. Trong đó, từ 17h30 thực hiện khóa rào chắn và không đón khách dã ngoại, tham quan.

Từ 19h00 – 07h30 ngày hôm sau: không cho phép các hoạt động dã ngoại, tham quan (trừ những hoạt động đã được cấp phép của các cơ quan chức năng cho tổ chức thực hiện).

– Khi thời tiết không thuận lợi (thiên tai, mưa lớn, bão, nguy cơ sạt lở cao…), UBND quận Sơn Trà sẽ có văn bản thông báo các đơn vị liên quan thực hiện đóng chốt lên xuống bán đảo Sơn Trà để đảm bảo an toàn cho người dân và du khách.

6. Tổ chức vận hành dịch vụ xe trung chuyển

– Khách du lịch sử dụng xe tay ga hoặc ô tô trên 24 chỗ ngồi trước khi lên các tuyến tham quan phải thực hiện chuyển đổi phương tiện tại bãi xe trung chuyển tại ngã ba đường Hoàng Sa – Lê Đức Thọ. Lưu ý đối với khách đã sử dụng xe tay ga (hoặc các phương tiện khác nhưng có nhu cầu sử dụng xe trung chuyển) đã đến vị trí trạm gác tuyến Yết Kiêu – Đỉnh Bàn Cờ (khu vực Trạm phát sóng Đài Phát thanh – Truyền hình Đà Nẵng) có nhu cầu tiếp tục tham quan lên tuyến Nhà Vọng Cảnh – Đỉnh Bàn Cờ – Bãi Bắc thì liên hệ nhân viên tại trạm để được hướng dẫn chờ xe trung chuyển đón tại điểm trạm gác.

– Lộ trình trung chuyển phục vụ khách du lịch dã ngoại, tham quan bán đảo Sơn Trà:

+ Tuyến 1 (từ nút giao đường Hoàng Sa đi điểm tham quan Cây Đa di sản): Lộ trình xuất phát từ Bãi xe phục vụ APEC – Cây Đa di sản và quay về (chiều dài là 09 km). Thời gian dự kiến di chuyển hết lộ trình là 60 phút, trong đó di chuyển trên tuyến hết 30 phút và dừng tham quan tại Cây Đa là 30 phút.

+ Tuyến 2 (từ nút giao đường Yết Kiêu đi Đỉnh Bàn Cờ – Bãi Bắc): Lộ trình từ Bãi xe trung chuyển tại ngã ba đường Hoàng Sa và Lê Đức Thọ – Nhà Vọng Cảnh – Sân bay trực thăng (cũ) – Đỉnh Bàn Cờ – Cây Đa di sản – Chùa Linh Ứng – Bãi xe trung chuyển tại ngã ba đường Hoàng Sa và Lê Đức Thọ (dài 35 km chiều đi và về). Tổng thời gian dự kiến di chuyển hết lộ trình trên là 180 phút (03 giờ), trong đó, thời gian xe di chuyển trên tuyến ước là 90 phút, thời gian dừng tại các điểm mỗi điểm 15 – 30 phút

+ Tuyến 3 (từ nút giao đường Yết Kiêu – Suối Ôm). Lộ trình: Bãi xe trung chuyển tại ngã ba đường Hoàng Sa và Lê Đức Thọ – Điểm ngắm Voọc – Điểm ngắm cảnh – Điểm ngắm Voọc – ngã ba Tiên Sa về hướng Nhà Vọng Cảnh – Bãi xe trung chuyển tại ngã ba đường Hoàng Sa và Lê Đức Thọ (dài 32 km chiều đi và về). Tổng thời gian dự kiến di chuyển trên tuyến là 130 phút, trong đó thời gian di chuyển là 75 phút, thời gian dừng tại mỗi điểm là 15-20 phút

c) Phương tiện, hình thức tổ chức dịch vụ và giá vé dịch vụ trung chuyển

– Ban Quản lý BĐST thuê xe trung chuyển theo từng tháng

+ Sử dụng xe ô tô từ 16 chỗ ngồi trở xuống.

+ Số lượng xe triển khai thời gian thí điểm: bố trí 03 xe thực hiện trung chuyển. Trường hợp lượng khách tăng hoặc theo nhu cầu thực tế của khách: giao Ban Quản lý BĐST chủ động thuê thêm xe trung chuyển theo định mức dự toán kinh phí được phê duyệt để đảm bảo đủ xe phục vụ khách

– Giá vé dịch vụ trung chuyển: Giao Sở Du lịch (Ban Quản lý BĐST) xây dựng phương án giá dịch vụ, gửi Sở Tài chính thẩm định, tham mưu UBND thành phố quyết định.

Nguồn: Ban quản lý


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *