‘Hộ mạng áo vàng’ thầm lặng
Bốn mùa, dù nắng hay mưa, từ 4h30 đến 18h30 những nhân viên đội cứu hộ trên các bãi biển Đà Nẵng đều thay phiên nhau căng mắt quan sát, sẵn sàng lao ra cứu người.
Giữa tháng 4, dịch COVID-19 tạm qua thời điểm căng thẳng, lượng khách đổ về các bãi biển Đà Nẵng tăng cao. Mỗi ngày có hàng nghìn người tỏa ra các bãi biển của thành phố để vui chơi, tắm mát. Đây cũng là thời điểm vất vả nhất của đội cứu hộ bãi biển (thuộc Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng).
Mới mờ sáng, những nhân viên làm ca 1 đã ra biển cắm các bảng hướng dẫn nơi tắm an toàn, kéo dây phao, chuẩn bị ca nô, ván lướt cứu hộ,… Sau đó, các anh liên tục bám sát từng nhóm người tắm biển sớm để không để xảy ra sự cố đáng tiếc.
Để bảo vệ an toàn cho người tắm biển, những nhân viên cứu hộ luôn phải quan sát để nhận diện dòng chảy của biển, giăng phao phân vùng an toàn và cắm biển cảnh báo những nơi nước sâu, vùng xoáy. Trong khi đó các vùng nước xoáy thay đổi theo ngày, theo tuần. Vì vậy, mỗi ngày đội cứu hộ phải kiểm tra nhiều lần để điều chỉnh vùng an tắm an toàn cho người dân, du khách. Công việc này đòi hỏi những người cứu hộ phải có kinh nghiệm về biển.
Công việc rất cực nhọc và nguy hiểm nhưng đồng lương của nhân viên cứu hộ khá thấp, trung bình khoảng 5 triệu đồng mỗi tháng. Anh Lương Thế Long (30 tuổi, làm nghề được 6 năm), chia sẻ đồng lương từ công việc cứu hộ không đủ trang trải. Ngoài làm cứu hộ anh còn dạy bơi để kiếm thêm thu nhập. Vào mùa sứa biển, lúc khách tắm còn ít, một số nhân viên cứu hộ còn tranh thủ đi nhặt sứa bỏ vào thùng đá để kiếm thêm mỗi ngày vài chục ngàn đồng.
Vào đợt cao điểm, người dân và du khách tắm biển đông, người cứu hộ càng không được rời mắt khỏi những người đang tắm biển. Dù giữa trưa nắng ít người tắm, nhưng các anh vẫn phải đội nắng ngồi quan sát, canh chừng để kịp ngăn chặn những trường hợp bơi tới chỗ nguy hiểm.
Làm nghề vì như lo cho người thân
Làm nghề được 20 năm, ông Phùng Thương, 55 tuổi từng rất nhiều lần cứu người đuối nước trên biển. “Năm 2005, một lần chú cứu được 4 sinh viên trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng). Còn lại cứu 1-2 người thì thường xuyên. Trung bình một năm chú và tổ cứu hộ cứu được khoảng 10-15 người. Các trường hợp mình cứu được thì rất may không có trường hợp xấu xảy ra”, ông Thương chia sẻ.
Điều buồn nhất với những người cứu hộ nơi đây là khi gặp những trường hợp cảnh báo mà khách tắm không nghe, thậm chí còn chửi mắng lại. Như không ít bạn trẻ bất chấp cảnh báo vùng tắm nguy hiểm, thách đố nhau bơi xem ai xa hơn. Hay khi gặp phải người say xỉn xuống tắm biển, đội cứu hộ lại càng vất vả.
Nghề cứu hộ biển đòi hỏi phải thực sự yêu nghề và có kinh nghiệm. Với số lượng 100 người, đội cứu hộ thoạt nhìn tưởng nhiều, nhưng khi trải đều ra các bãi biển thuộc Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, tới Thanh Khê, Liên Chiểu thì phạm vi quản lý của mỗi tổ khá rộng trong khi công việc không hề dễ dàng.
Theo thống kê, 16 năm qua lực lượng cứu hộ bãi biển Đà Nẵng cứu được 1.750 người đuối nước khi tắm biển. Sáng 19/4 mới đây, một trường hợp người dân Đà Nẵng tắm biển sớm bị đuối nước vào khoảng 4h15 sáng, khi các nhân viên cứu hộ còn chưa vào ca trực. Một trường hợp khác, ngày 27/3, lúc 18h30 như thường lệ nhân viên cứu hộ bơi thúng ra biển kêu gọi mọi người vào bờ vì hết giờ trực cứu hộ. Nhưng có một nhóm bạn trẻ đến Đà Nẵng du lịch rủ nhau xuống tắm biển Mỹ Khê lúc 7 giờ tối rồi bị đuối nước. May mắn lúc ấy nhân viên cứu hộ trẻ tuổi Nguyễn Hữu Toàn Chung hết ca trực nhưng chưa về còn nán lại nói chuyện với người quen gần đó. Phát hiện có người đuối nước, anh Chung lập tức ôm ván và phao cứu hộ bơi ra ứng cứu được 4 người, còn người thứ 5 bị sóng cuốn mất tích, đến khuya thi thể mới được tìm thấy.
Ông Thương tâm sự: “Với những trường hợp say xỉn, mình phải bám theo và nhẹ lời khuyên họ vào bờ. Nếu họ vẫn cố chấp buộc mình phải chuẩn bị phao cứu hộ, bơi thúng đi theo thổi còi, quan sát phòng khi họ gặp nạn thì mình ứng cứu kịp thời”. Vất vả khó khăn là vậy nhưng vì thương và lo cho người khác như thương và lo cho người thân của mình nên ông và các nhân viên cứu hộ vẫn không thể bỏ nghề.
Theo Báo Tiền phong